ĐẶC SẢN THANH TRÀ – MÓN NGON MANG PHONG VỊ HUẾ

Ngày đăng: 23/05/2022

  Nói đến Huế người ta không thể không nhắc đến nền ẩm thực đặc sắc. Nơi đây, nơi mà người ta ăn uống không chỉ đơn thuần là để no mà còn là một nét văn hóa một nét đặc trưng rất riêng của vùng miền. Tại Lễ hội Thanh trà phường Thủy Biều lần thứ IV - năm 2014 (Từ 29 đến 31 tháng 8 năm 2014 tại 467 Bùi Thị Xuân) quý khách sẽ được phục vụ những món ngon được chế bến từ đặc sản Thanh trà.

Người Huế ăn theo mùa “mùa nào thức ấy”,  vào những ngày mùa thu này đến với Huế bạn sẽ được thưởng thức một loại trái cây đặc sản đó là trái thanh trà, một loại quả mà người Huế rất thích phải ăn cho bằng được mỗi khi tới mùa. Hàng năm cứ độ tháng 7, 8 là mùa thanh trà chín đẹp, những quả thanh trà tươi xanh, múi thanh trà vàng nhạt mọng nước ăn lại giòn, thoảng một chút vị chua, thơm mà không nhân nhẩn đắng như một vài loại bưởi. Ở Huế, có nhiều nơi trồng được thanh trà như Tuần, Kim Long, An Lỗ, Phong Thu…nhưng ngon nhất phải nói đến thanh trà Thủy Biều. Để hiểu rõ hơn về sản vật này  mời các bạn ghé thăm Thủy Biều - một phường nằm ở rìa Tây – Nam thành phố Huế với ba bề được bao bọc bởi sông Hương. Phường Thủy Biều ngày nay là sự hợp nhất của hai làng cổ thời xưa là làng Nguyệt Biều và làng Lương Quán. Người xưa thường truyền tụng câu: "Nguyệt Biều - Lương Quán bao xa; Cách nhau cái hói chia ra hai làng". Còn tên Thủy Biều có thể hiểu nôm na: Thủy tức là nước, Biều tức là cái bầu, hay quả bầu. Thủy Biều tức là cái Bầu Nước.  Chính vì ở một vị trí đặc biệt như thế nên “Bầu nước” Thủy Biều được mẹ Hương Giang lắng đọng bồi đắp những hạt phù sa màu mỡ để kết tinh lại thành vị ngọt thanh trong quả thanh trà đặc sản Thủy Biều không nơi đâu có được.

Vườn cây Thanh trà

 

Quả thanh trà thuộc họ nhà bưởi. Theo Đông y, bưởi thanh trà có vị ngọt, tính hàn, không độc, tác dụng làm tinh thần thư thái, giải nhiệt, giải độc rượu, bồi bổ cơ thể, chữa được chứng có thai nôn mửa (nghén), biếng ăn, ăn không tiêu, đau bụng.
Dịch quả chín có chứa nhiều chất bổ dưỡng; trong 100g phần ăn được của bưởi có: nước 80g, glucid 9g, protid 0,6g, lipid 0,1g; các chất khoáng: Ca 23mg, P 19mg, Fe 0,5mg, chất xơ 0,7g (ngoài ra còn các K, Mg, Na, Mn, Cu...), các vitamin B1 0,04mg, B2 0,02mg, PP 0,3mg, C 95mg. Cung cấp 30 - 43 calo.

 

Hội thi ẩm thực được chế biến từ Thanh trà

 

Thanh trà rất có ích cho những người bị mỡ trong máu tăng, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, béo phì.
 

Trong cùi trắng của quả thanh trà có chứa pectin, tinh dầu, hesperidin, maringin, là những chất có tác dụng làm giảm cholesterol - huyết, bảo vệ sự bền vững của mao mạch, phòng chống cao huyết áp và tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, loét dạ dày...
 

Lá thanh trà tươi thường được dùng để nấu với các loại lá thơm khác (hương nhu, bạc hà, kinh giới, tía tô, sả, ngải cứu...) để xông chữa cảm cúm, nhức đầu.
 

Vỏ quả  dùng chữa ho, làm long đàm, trợ tiêu hoá.

Du lịch sinh thái nhà vườn

 

Không chỉ dừng lại ở đó, quả thanh trà qua bàn tay khéo léo tài hoa cùng với kiến thức về ẩm thực của các mẹ, các chị đã biến thành những món ăn khiến thực khách phải ngỡ ngàng. Ở đây tác giả xin mạn phép giới thiệu đến các bạn một thực đơn thanh trà thập nhị vị” với các món được chế biến có nguyên liệu, gia vị là quả thanh trà.

 Đầu tiên phải kể đến  “thanh trà lục bảo” gồm 6 món:

1. Rượu thanh trà: cầu kì trong cách chế biến, tinh tế trong việc lựa chọn nguyên liệu để có thể tạo ra một thứ rượu “vang” làng quê vị ngọt nhẹ nhưng không kém phần nồng nàn lại thoang thoảng hương thanh trà.

2. Nem rán thanh trà: với lớp vỏ giòn tan mùi vị thơm ngon với phần nhân dẻo mịn

Nem rán Thanh trà

3. Nem chua thanh trà:  được chế biến công phu từ phần cùi vỏ thanh trà quết nhuyễn lên men tạo nên vị chua dìu dịu có mùi vị ko kém gì nem chế biến từ thịt.

Nem chua Thanh trà

4. Thanh trà tempara: một món ăn tuy quen mà lạ. sự kết hợp hài hòa giữa nguyên liệu và  phương pháp chế biến thể hiện sự sáng tạo của người đầu bếp.

5. Súp trân châu thanh trà là vị ngọt đậm đà của các loại rau củ quả cùng với vỏ thanh trà được xử lý thành những viên tròn trong suốt tạo nên một món ăn đầy ngũ vị giúp các anh giải rượu trong buổi trưa hè.

6. Và không thể thiếu “mực khô thanh trà” con mực với tép thanh trà mọng nước, rưới chút nước chấm chua cay điểm vài cọng rau thơm, và hạt đậu phộng rang vàng. Ta nói tất cả những hương vị đều hội tụ tại đây chua, ngọt, cay thơm, bùi béo, đều đủ và chỉ có “ngậm mà nghe” cái ngon đến nhức răng.

Gỏi Thanh trà

Đã thưởng thức qua thanh “trà lục bảo” thì mọi người cũng sẽ không thể dừng lại mà không nếm qua “thanh trà tứ vị” bao gồm:

1. Thanh trà rim cay:

Những sợi thanh trà  măn mặn, cay cay sẽ khiến các anh xuýt xoa mãi không thôi về độ "bắt mồi" của nó.

Thanh trà rim cay

 

2. Gà kiến hấp thanh trà:

Con gà tháng 7 được chặt thành miếng vừa ăn ướp với chút lá thanh trà non và gia vị cho đậm đà được xếp vào trong quả thanh trà để hấp thụ tất cả những hương thơm từ tinh dầu quả thanh trà đánh bay tất cả các mùi tanh đến cuối cùng chỉ còn lại là những miếng gà dai ngon ngọt thịt thơm.

Gà hấp Thanh trà

3. Tôm nướng Thanh trà:

Tôm rằn nổi tiếng xứ huế không chỉ là

“Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi

Gạo De An Cựu mà nuôi mẹ già”

Thanh trà còn được chế biến thành một món rất mời gọi đó là “tôm nướng thanh trà”. Để trở thành một trong tứ vị, những con tôm rằn tươi sống còn nhảy lách tách trên rổ dùng que tre xiên cho thẳng, ướp thêm một thứ muối đặc biệt từ quả thanh trà sau đó nướng lên đỏ âu thơm ngào ngạt chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy thèm.

4. Thanh trà hầm sườn non:

Để trọn vẹn hơn cho bữa tiệc cũng như giúp các thực khách dằn lòng yếu dạ, các chị còn chu đáo tạo thêm một món ninh hầm cũng lấy nguyên liệu từ quả thanh trà đó là món “Thanh trà hầm sườn non” những dẻ sườn được ninh mềm như rói thịt, những miếng vỏ thanh trà dai dai, mềm mại tạo sự mới lạ cho món ăn.

Súp Thanh trà và Sườn non hầm Thanh trà

Sau khi thưởng thức no say thực khách sẽ được phục vụ một trong hai món thuộc nhóm “Thanh trà nhị hương”: Chè Thanh trà và Mứt Thanh trà.

Mứt Thanh trà

 

Nếu các chị thường chọn chén chè thanh trà được nấu với đường phèn cho có vị ngọt thanh, chai nước cốt dừa béo ngậy, giòn giòn của vỏ thanh trà và chút bùi bùi của đậu xanh làm nên một món chè không thể quên được thì các ông lại thích ngồi bên tách trà uống một hớp trà nhón tay một vài sợi mứt cho vào miệng để cảm nhận cái ngọt the của mứt thanh trà để rồi không biết có hay không liên tưởng tới hương vị của cuộc đời lúc đắng lúc cay, lúc ngọt lúc bùi…

Trên đây là một chút tản ngang về ẩm thực. Có lẽ chưa thể miêu tả hết được các hương vị đặc sắc của ẩm thực vùng quê này. Vậy tại sao các bạn không thử tự trải nghiệm, tự mình khám phá để phần nào thấu hiểu hơn về ẩm thực huế nói chung và ẩm thực từ quả thanh trà Thủy Biều nói riêng. Để hiểu rõ hơn về con người và văn hóa ẩm thực xứ Huế.

 

Võ Đăng Thái - Nguyễn Tấn Công